Xuất khẩu lao động 2014: Đài Loan, Trung Đông là tâm điểm

Xuất khẩu lao động 2014: Đài Loan, Trung Đông là tâm điểm
(Baodautu.vn) Thị trường lao động ra nước ngoài sau một thời gian dài sốt lạnh, đang được hâm nóng với những thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý về những khai thông tới các thị trường trọng điểm, như Đài Loan hay Trung Đông.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2013, Đài Loan là thị trường dẫn đầu khi tiếp nhận tới hơn 40.000 lao động Việt Nam, trong khi cả nước có gần 89.000 người đi làm việc ở nước ngoài.
         
Đài Loan, Trung Đông là những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm năm 2014    
Đạt được kết quả trên, một phần là do năm 2013, Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Philippines, nên cơ hội dành cho lao động Việt Nam nhiều hơn.
Bên cạnh đó, đây là thị trường khá dễ tính khi tuyển chọn lao động, chi phí xuất cảnh cũng không quá cao, khoảng 3.800-4.500 USD, phù hợp với điều kiện của đa số lao động Việt Nam, trong khi mức lương tuy không cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng cũng ở mức tương đối khoảng 500-700 USD/tháng, chưa kể tiền làm thêm.
Ngoài ra, theo tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, việc chính quyền Đài Loan điều chỉnh chính sách, mở rộng ngành nghề và hạn ngạch tuyển lao động nhà máy, cho phép các nhà đầu tư mới tăng 5-10% nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài, sẽ làm tăng nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ở thị trường Đài Loan trong năm tới. Chưa kể việc trong năm nay, Đài Loan có thể mở lại việc tuyển dụng lao động làm nghề giúp việc gia đình đối với Việt Nam.
“Với quan điểm tiếp tục giữ Đài Loan là thị trường trọng điểm, chúng tôi quyết tâm sẽ đưa được khoảng 45.000-50.000 lao động sang Đài Loan làm việc trên tổng số chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 90.000 lao động của cả năm 2014”, ông Quỳnh khẳng định.
Để hiện thực hóa chỉ tiêu trên, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước Đào Công Hải, ngay từ cuối năm, Cục đã ban hành các chính sách nhằm chấn chỉnh thị trường, cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp trong việc tạo nguồn lao động. Dù tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Đài Loan không cao như tại Hàn Quốc, nhưng cũng chiếm khoảng 10% số lao động hết hạn hợp đồng.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng mở nhiều chi nhánh, cơ sở, nhưng quản lý lỏng lẻo, dẫn tới tiêu cực, lộn xộn. Tiền chi phí xuất cảnh của người lao động cũng bị đội lên, cao hơn nhiều so với quy định (tối đa 4.500 USD/người đối với lao động làm việc ở nhà máy và tối đa 3.800 USD/người với nghề hộ lý, chăm sóc người bệnh).
“Gánh nặng chi phí là một phần nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều lao động bỏ trốn. Nếu không siết lại, tỷ lệ bỏ trốn sẽ ngày càng tăng và bài học về việc đối tác đóng cửa thị trường như đối với Hàn Quốc có thể lặp lại”, ông Hải nói. Vì vậy, Cục đã mở chiến dịch chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Đài Loan, qua đó phát hiện sai phạm của gần 20 doanh nghiệp (Vinamotor, Petromanning, Vihatico, Letco, Vinatex-LC, Vivaso, Vietcom Human…) với các lỗi phổ biến, như thu phí cao hơn quy định, không bảo đảm điều kiện ăn, ở cho lao động theo hợp đồng.
Ngoài các mức xử phạt tối đa 180-200 triệu đồng, Cục sẽ không không cho phép tuyển chọn lao động và thẩm định hợp đồng đối với các doanh nghiệp sai phạm, nhằm tăng tính răn đe. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu, từ ngày 1/2/2014, các doanh nghiệp phải giảm chi phí xuất cảnh đối với lao động làm việc trong các nhà máy với hợp đồng 3 năm xuống còn tối đa 4.000 USD/người và tối đa 3.300 USD/người đối với nghề hộ lý, chăm sóc người già. Văn bản này cũng cho phép doanh nghiệp được thỏa thuận ký quỹ chống trốn với người lao động, nhưng không quá 1.000 USD/ người, nếu thu thêm sẽ bị xử lý nghiêm.
“Hiện có khoảng 50% trong tổng số 45 doanh nghiệp được phép cung ứng lao động sang Đài Loan hoạt động khá nghiêm túc và hiệu quả. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này, năm 2014, Cục cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp nói trên được liên kết với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người sang Đài Loan để mở rộng tạo nguồn, cung ứng lao động đáp ứng đơn hàng của phía bạn”, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Đài Loan và châu Mỹ (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết thêm.
Ngoài Đài Loan, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, năm nay, Cục cũng sẽ tập trung vào thị trường Nhật Bản (dự kiến tiếp nhận hơn 10.000 người) và Hàn Quốc (khoảng 12.000 người) khi năm ngoái Nhật Bản cũng đạt mức kỷ lục khi tiếp nhận 10.000 lao động Việt Nam và Hàn Quốc cũng vừa tạm nối lại chương trình hợp tác lao động phái cử với Việt Nam. Các thị trường khu vực Trung Đông cũng có dấu hiệu phục hồi trở lại, dù năm 2013 chưa tăng mạnh số lượng lao động Việt Nam, nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar…
Saudi Arabia cũng vừa công bố kế hoạch mở rộng nguồn tuyển dụng nhân lực bằng cách nhập khẩu lao động từ 9 quốc gia mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm trong nước, trong đó có Việt Nam. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Phía Saudi Arabia cũng cho biết một tin khá vui, đó là tất cả các hợp đồng giữa chủ thuê lao động và lao động nước ngoài đều sẽ được bảo hiểm đầy đủ, trong đó bao gồm cả các khoản bồi thường cho người lao động trong trường hợp bệnh tật hoặc qua đời, hay đối với người chủ khi công nhân bỏ trốn.
“Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ tập trung khai thông lại thị trường truyền thống ở các quốc gia Trung Đông trong năm nay”, ông Quỳnh nói.

Phan Long - baodautu.vn