Cân nhắc kỹ lưỡng để chọn đúng ngành nghề phù hợp với khả năng, nhu cầu, sức khỏe và sở thích của bản thân sẽ giúp bạn đảm bảo năng suất hơn, tránh được tình trạng chán nản và bỏ dở giữa chừng. Đây đồng thời cũng là cách để đảm bảo việc làm ổn định cho bản thân trong suốt thời gian xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Vậy, nên dựa vào đâu để chọn được ngành nghề phù hợp khi có ý định xuất khẩu lao động tại Nhật?
Dựa vào mục đích của bản thân
Nếu mục đích chính của bạn khi tham gia xuất khẩu lao động sang Nhật là để cải thiện kinh tế cho bản thân cũng như gia đình thì, bạn nên tham gia thi tuyển ở tất cả các ngành nghề, ở những mảng mà bản thân có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về năng lực, sức khỏe… điều này sẽ giúp bạn dễ có cơ hội để tìm được việc làm hơn, thời gian làm thủ tục xuất cảnh cũng nhanh chóng và hạn chế được các chi phí phát sinh.
Với những người không bị đặt nặng về vấn đề kinh tế mà chỉ muốn sang thị trường Nhật để được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cũng như nâng cao tay nghề làm việc trong các ngành nghề như: tiện, bào, điện, hàn, phay, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị máy mọc, dệt may, xây dựng và thậm chí là đơn giản như nông nghiệp… thì dĩ nhiên, hãy chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân ngay từ đầu. Đối với lối đi này, bạn nên chú ý đến số lượng yêu cầu của nhà tuyển dụng trong ngành, đừng quá kén trong khi kinh nghiệm bản thân không nhiều và cũng không nên đặt nặng quá về vấn đề mức lương bởi nếu vậy, cơ hội việc làm sẽ rất thấp, đồng nghĩa với việc thời gian chờ đợi việc làm như ý muốn sẽ càng bị kéo dài. Tốt nhất là hãy chọn những công việc “vừa vặn” với trình độ của mình để có cơ hội trúng tuyển cao hơn vì hơn bất kỳ thị trường việc làm nào khác, Nhật là đất nước có yêu cầu đặc biệt khắt khe với các thực tập sinh.
Chọn ngành nghề dựa theo độ tuổi
Đối với thị trường Nhật Bản thì độ tuổi thích hợp nhất để tham gia các chương trình Thực tập sinh kỹ năng là từ 20-28 tuổi (đối với lao động nam) và 19-30 (đối với lao động nữ). Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mỗi ngành nghề sẽ có những yêu cầu khác nhau về độ tuổi. Cụ thể:
+Ngành xây dựng: thường chỉ lấy lao động nam với biên độ tuổi giao động từ 19-32 tuổi (trong ngành này thì tuổi càng cao sẽ càng có nhiều lợi thế vì có kinh nghiệm làm việc lâu năm hơn).
+Nông nghiệp: ngành này tuyển cả nam lẫn nữ với độ tuổi từ 19-32. Đây cũng được xem là một trong những ngành nghề phù hợp với những người có độ tuổi cao.
+Dệt may: thường chỉ tuyển nữ, độ tuổi từ 19 – 30, cũng có những trường hợp xê dịch biên độ tuổi từ 18 – 36. Ngành này thường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả của các đợt thi tuyển tay nghề, do đó những người trẻ, có tay nghề cao luôn có cơ hội tốt hơn.
+Điện tử: yêu cầu nữ có độ tuổi khá trẻ là từ 19 – 26. Để được trúng tuyển vào ngành này thì người lao động cũng sẽ phải thông qua hội thi kỹ năng, bên cạnh đó cũng đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn và có sức khỏe tốt.
+Cơ khí: là ngành có biên độ tuổi khá rộng, từ 19 – 30 và thông thường, mỗi công ty sẽ có một tiêu chí lựa chọn lao động riêng.
+Thực phẩm: những công ty tuyển nhân công trong ngành này tại Nhật thường không đặt nặng vấn đề về tuổi tác, ưu tiên nhất cho biên độ tuổi từ 18 – 32. Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực này đánh giá cao về sự khéo léo, gọn gàng, do đó khi tham gia phỏng vấn, bạn nên chú ý về đầu tóc cũng như trang phục và các hành động của mình để gây được ấn tượng tốt.
Chọn theo kinh nghiệm làm việc
Cũng như các thị trường việc làm khác, Nhật Bản không có yêu cầu quá khắt khe đối với kinh nghiệm của lao động phổ thông. Tuy nhiên đây lại chính là điều kiện cần để tham gia thi tay nghề trong các ngành như: ốp lát, xây dựng, hàn, tiện, dệt may… do đó trước khi ứng tuyển, bạn cũng nên trau dồi cho mình chút kinh nghiệm để gây được ấn tượng tốt. Quan trọng nhất là đối với các ngành này, hội thi tay nghề là nơi để nhà tuyển dụng đánh giá tác phong làm việc, nên dù bạn không có nhiều kinh nghiệm nhưng lại có tác phong cẩn thận, nhanh nhẹn thì cũng sẽ dễ dàng để gây ấn tượng. Thường thì nhà tuyển dụng sẽ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho các học viên từ 4-8 buổi, sau đó mới tổ chức thi nghề.
Chọn ngành nghề dựa trên trình độ học vấn
Nếu bạn có bằng TC, CĐ, ĐH thì đây sẽ là một lợi thế rất lớn khi tham gia ứng tuyển, đặc biệt là khi bạn có bằng phù hợp với ngành nghề đang tuyển dụng. Tuy nhiên với những người học trái ngành thì cơ hội cũng khá cao bởi nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn ở khả năng tiếp thu nhanh nhạy, dễ bắt nhịp công việc vì có trình độ học vấn cao.