Thị trường Singapore hiện nay là một trong những thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam và các nước khác. Mỗi năm có hàng ngàn lao động sang Singapore làm việc và tìm kiếm giấc mơ “đổi đời” cho riêng mình. Có nhiều người may mắn tìm được công việc tốt, nhưng cũng có rất nhiều người “vỡ mộng” và ôm cục nợ vì bị lừa xuất khẩu lao động.
Tình trạng lừa người lao động xuất khẩu sang Singapore để lấy tiền hiện nay diễn ra rất nhiều, người lao động phải bỏ ra hàng ngàn đô la để đóng phí môi giới, nhưng khi vừa đặt chân xuống sân bay lại bị bắt giữ ngay lập tức. Cũng có số ít có việc làm nhưng chỉ được một thời gian cũng tìm cách trốn về nước vì biết mình bị lừa.
Săn mồi nhẹ dạ, cả tin
Đa phần những người có nhu cầu xuất khẩu lao động và
làm việc tại Singapore đều là lao động nghèo, xuất thân từ những vùng quê. Và họ chính là những người dễ bị lừa đảo nhất. Các công ty môi giới trá hình thường tìm đến những người nhẹ dạ, cả tin để “dụ dỗ” họ. Một nạn nhân của việc lừa xuất khẩu lao động sang Singapore cho biết: Chi phí chị phải nộp cho công ty môi giới để lo liệu thủ tục, giấy tờ đi Singapore là 1.700 USD. Và lương hàng tháng là 1.600 USD nhưng phải đóng 500 USD cho công ty môi giới. Thời gian làm việc là 8h/ngày…
Thế nhưng, khi sang Singapore làm việc người lao động phải làm việc trên mức giờ quy định rất nhiều từ 10 – 11 tiếng/ngày và phải làm nhiều công việc khác nhau chứ không giống như trong hợp đồng. Nhiều lao động đã không thể trụ nổi và phải tìm cách về nước. Nhưng khi liên lạc với công ty môi giới xuất khẩu họ chỉ nhận được những lời hứa suông và những tiếng ậm ừ cho qua.
Và cuối cùng, người lao động phải tìm cách vay mượn tiền để về nước và ôm một cục nợ thật lớn từ việc bị lừa xuất khẩu lao động.
“Cất vó” rồi chuồn êm
Những nạn nhân của các phi vụ lừa đảo khi về nước đều tìm đến công ty môi giới để yêu cầu giải quyết và trả lại tiền, nhưng điều mà họ nhận được chỉ là những cánh cổng đóng im lìm, những thông tin rằng công ty đã giải thể. Ngay cả số điện thoại mà họ hay liên lạc cũng chỉ là những trả lời tự động từ tổng đài. Các “ông chủ” đã chuồn êm sau khi lừa được một số tiền lớn từ các nạn nhân.
Còn rất nhiều lao động Việt Nam không có đủ tiền để về nước nên phải chấp nhận làm việc cho hết hợp đồng mới có thể về nước. Hơn nữa, họ sợ mất khoản tiền đã đóng trước đó nên đành chấp nhận làm việc trong điều kiện và môi trường không đảm bảo, các quyền lợi cũng không được tôn trọng.