Tổ chức EIU vừa công bố chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living Survey), theo đó thì Singapore đã vượt qua Paris (Pháp), Oslo (Na Uy), Zurich (Thụy Sĩ) và Sydney (Australia) để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Cũng trong bảng công bố này, do đồng yên mất giá nên Tokyo (Nhật Bản) tụt 6 bậc so với lần trước. Điều này có thể khiến cho những người muốn học tập và làm việc tại Singapore lo lắng.
Thông thường, EIU sẽ thực hiện khảo sát 2 lần/ năm, tiến hành so sánh giá cả sản phẩm và dịch vụ như thực phẩm, trang phục, giao thông, giáo dục của 131 thành phố trên thế giới với New York. Các thành phố đứng cuối danh sách có 2 đại diện của Ấn Độ là Mumbai và New Delhi.
Tại Singapore, thời gian qua, khi kinh tế ngày càng phát triển, người dân trở nên giàu có, lao động nước ngoài đến
làm việc tại Singapore ngày càng nhiều thì giá nhà đã không ngừng tăng, liên tục lập kỷ lục trong nhiều năm. Cùng với đó, các ngân hàng tư nhân phát triển và các công ty toàn cầu xuất hiện cũng giúp thu hút nhiều nhân tài tới đây tìm kiếm một cơ hội.
Cũng theo khảo sát của EIU, chi phí giao thông tại Singapore đắt gần gấp ba New York. Đặc biệt là chi phí mua xe tại Singapore cũng thuộc hàng “trên trời” khi mà các loại chi phí còn cao hơn giá trị thực của chiếc xe gấp đôi. Michael Wan – chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse cho biết: “So với các nước khác, giá xe tại đây rất cao. Chúng tôi cho rằng lạm phát ở Singapore sẽ còn đáng lo ngại hơn trong 2 năm tới”. Trong một thập kỷ qua, đôla Singapore đã tăng hơn 35%, lạm phát trung bình hàng năm là 2,8%, cao hơn 1% so với thập kỷ trước.
Các hãng bán lẻ quần áo ở Singapore thường nhập hàng xa xỉ từ châu Âu về, do đó, đây cũng là thành phố đắt đỏ nhất về giá trang phục trên toàn cầu. Ngoài ra, Singapore cũng xếp thứ 5 trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất cho lao động nước ngoài. Giải thích cho những điều này, tác giả báo cáo EIU cho biết: “Singapore vượt lên vị trí dẫn đầu một phần vì đôla Singapore tăng giá, kéo theo đó là hàng tiêu dùng đắt đỏ hơn bởi tiêu dùng nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu”.
Mặc dù có chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhưng theo hãng tư vấn nhân lực Towers Watson, lãnh đạo cấp cao tại Singapore có thu nhập cao hơn tại Hong Kong (Trung Quốc). Cùng với đó, sinh viên du học vẫn luôn được Chính phủ Singapore hỗ trợ tốt nhất, vậy nên hệ thống giáo dục cũng như vấn đề
việc làm tại Singapore luôn thu hút các du học sinh cũng như người lao động nước ngoài.
Đào Trinh