Xuất khẩu lao động đang là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng việc làm trong nước cũng như mang đến thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, thị trường đang nhốn nháo bởi tình trạng tranh giành, phá giá và cướp hợp đồng giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Mở thêm nhiều thị trường
Theo đại diện Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ - TB - XH) thì trong 5 năm (2010 – 2015) đã có 450.000 người xuất khẩu lao động, trong đó năm 2014 có tới 106.000 người, vượt 22,8% kế hoạch được giao. Mặc dù số lượng người xuất khẩu lao động cao nhưng chủ yếu tập trung ở 2 thị trường là Đài Loan và Nhật Bản. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang cố gắng và nỗ lực để có thể mở rộng và hướng tới những thị trường ở các châu lục khác như Nga, Saudi Arabia, Algieria,…
Doanh nghiệp xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, công tác xuất khẩu lao động vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, xuất phát từ hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đều khó khăn trong việc tạo nguồn vốn và tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp không thể tự tuyển dụng trực tiếp hoặc tuyển dụng – đào tạo không tương thích nên phải “mua lại” nguồn cung ứng của doanh nghiệp khác với giá cao hơn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp như giành giật đơn hàng với chi phí thấp hơn thị trường để cướp hợp đồng cũng đang là một “vấn nạn”. Việc này vô tình có lợi cho các đối tác nước ngoài, còn mọi rủi ro hay lỗ lãi khác lại đè lên doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là chính người lao động phải gánh mọi chi phí.
Cùng với doanh nghiệp thì chính người lao động cũng khiến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam thiếu tính ổn định và chưa có sự bứt phá. Theo đó, lao động Việt Nam dù cần cù, chịu khó nhưng ý thức kỷ luật không cao, quá trình làm việc thường đánh nhau, bỏ trốn nên gây tổn thất cho đối tác, khiến họ mất niềm tin, chấp nhận bồi thường để chấm dứt hợp đồng sớm. Và đương nhiên, việc gia hạn chương trình ký kết là điều hoàn toàn không thể xảy ra.
Để giải quyết tình trạng này, Cục Quản lý lao động cần phải rà soát và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Với những doanh nghiệp không đủ năng lực thì có thể tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyển chọn, đào tạo, quản lý và bảo vệ người lao động để cung cấp cho đối tác nước ngoài nguồn lao động chất lượng nhất.
Lê Trinh